Hầm thủ thiêm

Khởi công xây dựng Đại Lộ Đông Tây

Lưu thông dưới đáy sông Sài Gòn

“Đây là buổi lễ khởi công được người dân mong chờ từ lâu. Đại lộ Đông Tây trở thành công trình quan trọng bậc nhất của TPHCM trong thời gian tới vì quy mô giải tỏa và ý nghĩa của nó. Với tổng vốn đầu tư trên 600 triệu USD, TP cần sử dụng một cách hiệu quả để thúc đẩy phát triển cao hơn”.

Đó là lời phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải trong buổi lễ khởi công đại lộ Đông Tây vào ngày 31-1. Bộ trưởng Bộ GTVT Đào Đình Bình, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Lê Hoàng Quân, Chủ tịch UBND TP Lê Thanh Hải và ông Norio Hattori, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam cũng đến tham dự lễ khởi công.

Yên tâm nếu xảy ra sự cố

Cho đến thời điểm này, đại lộ Đông Tây là dự án hạ tầng giao thông có quy mô lớn nhất của TP với số vốn đầu tư kỷ lục 9.864 tỉ đồng. Trong đó, 6.394 tỉ đồng được vay từ nguồn vốn ODA của Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC). Tiêu điểm của công trình chính là hầm vượt sông Sài Gòn với chiều dài 1.490 m, phần hầm dìm dưới sông là 370,8 m - mô hình lần đầu tiên được áp dụng ở nước ta. Theo thiết kế, hầm có dạng hộp đôi rộng 33,3 m, cao 9 m với 6 làn xe được dìm cách đáy sông Sài Gòn 4 m.

Nếu xảy ra sự cố thì sao? Người dân có thể yên tâm vì hầm được thiết kế 2 khoang thoát hiểm rộng 2 m sát hai bên vách hầm. Khi hoàn thành, hầm sẽ được vận hành tự động hoàn toàn. Các hệ thống cấp nước, chiếu sáng, thông gió, chống gió, đo đạc ô nhiễm không khí đều được kết nối tự động với trung tâm điều khiển xử lý mọi tình huống. Đặc biệt, hầm sẽ được trang bị một hệ thống đếm lượng xe qua lại. Số liệu này sẽ được truyền về trung tâm điều khiển để khi quá tải, có biện pháp ngăn bớt dòng xe. Tuy nhiên, do độ dốc (4%) và tốc độ tối đa của phương tiện qua hầm lên đến 60 km/giờ nên người đi bộ, xe đạp và các phương tiện thô sơ sẽ không được lưu thông.

Đại lộ ven kênh và 19 cây cầu

Đại lộ Đông Tây được hình thành sẽ góp phần rút ngắn thời gian di chuyển, khoảng 20 phút giữa 2 phía Đông và Tây TP. Cụ thể, sẽ có một tuyến đường phía Tây chạy từ Quốc lộ 1A (huyện Bình Chánh) đến đầu hầm vượt sông Sài Gòn phía quận 1. Đại lộ này dài 13,375 km qua các quận 1, 5, 6, 7, Bình Tân và huyện Bình Chánh. Đoạn đường từ Quốc lộ 1A đến kênh Lò Gốm rộng 60 m với 8 làn xe. Đoạn còn lại chạy dọc ven kênh Tàu Hũ- Bến Nghé sẽ còn 42 m nhưng vẫn bảo đảm 8 làn xe. Phía bên kia đường hầm quận 2, phần còn lại của đại lộ cũng được xây dựng khá quy mô với mặt cắt ngang lên đến 100 m.

Trên suốt tuyến đại lộ sẽ có 7 cầu vượt nút giao thông và 12 cầu dành cho người đi bộ. Do quy mô khá lớn của đại lộ mới nên nhiều cây cầu hiện hữu như Chữ Y, Chà Và, Calmette... sẽ được nâng cao hơn hoặc xây mới. Ông Huỳnh Ngọc Sỹ, Giám đốc Ban Quản lý dự án đại lộ Đông Tây và môi trường nước TP, cho biết việc giải tỏa 6.754 hộ dân thuộc dự án đại lộ đã hoàn thành được 97%, bảo đảm cơ bản việc thi công công trình. Riêng về vốn, đến nay Chính phủ Việt Nam và JBIC đã ký kết 3 hiệp định vay với tổng số tiền là 21.901 triệu yen. Phần còn lại sẽ được ký kết tiếp tục vào tháng 3-2005.

Những kỷ lục của công trình
. Là hầm vượt sông dài nhất Đông Nam Á: 1.490 m.
. Số hộ dân giải tỏa nhiều nhất từ trước đến nay tại TP: khoảng 6.754 hộ dân và 368 cơ quan đơn vị phải di dời.
. Dự án nhận được vốn tài trợ lớn nhất của Chính phủ Nhật Bản 6.394 tỉ đồng.
. Thời gian chuẩn bị dự án: 8 năm.

“Mở đường” cho đô thị mới Thủ Thiêm

Theo kế hoạch, đầu năm 2008, đại lộ Đông Tây sẽ được hoàn thành. Chủ tịch UBND TP Lê Thanh Hải cho biết: “Đây sẽ là trục giao thông mới của TP, góp phần giảm ách tắc giao thông cho các trục đường xung quanh khu vực phía Nam nội thành và giảm tải lượng xe lưu thông qua cầu Sài Gòn. Quan trọng hơn, đây sẽ là tuyến giao thông mới nối trung tâm TP với khu vực Thủ Thiêm, tạo động lực phát triển cho khu đô thị mới Thủ Thiêm sẽ hình thành trong nay mai”. Theo phân tích của các chuyên gia giao thông, đại lộ Đông Tây không chỉ giải quyết bài toán giao thông đô thị mà còn tạo động lực phát triển kinh tế khi đáp ứng được nhu cầu vận chuyển hàng hóa từ các cảng đi về phía Đông Bắc, Tây Nam và đồng bằng sông Cửu Long. Ông Hải cũng yêu cầu Ban Quản lý dự án đại lộ Đông Tây và môi trường nước TP nhanh chóng phối hợp với các địa phương giải tỏa số hộ dân còn lại để bảo đảm tiến độ thi công.

Tại lễ khởi công, Thủ tướng Phan Văn Khải chỉ đạo: “Tất cả các dự án cơ sở hạ tầng của TP không chỉ nhìn vào số dân hiện nay mà phải tính toán đến sự phát triển sắp tới. Riêng với công trình đại lộ Đông Tây, các bên liên quan từ chủ đầu tư, ban quản lý dự án, đơn vị thi công, giám sát phải thực hiện những tiêu chuẩn nghiêm ngặt đã được đề ra”.

Hầm Thủ Thiêm sẽ được xây dựng như thế nào?

Theo ông Huỳnh Ngọc Sỹ, Giám đốc Ban Quản lý dự án đại lộ Đông Tây và môi trường nước TP, hầm Thủ Thiêm sẽ được kết nối từ 4 đốt hầm, mỗi đốt dài 92,5 m được đúc sẵn trên bờ. Sau đó, các đốt hầm sẽ được kéo ra sông và được đánh dìm xuống vị trí móng đã được xây dựng sẵn bằng cách bơm nước vào. Sau khi được gắn kết cố định, nước trong các đốt hầm sẽ được hút ra ngoài và thực hiện các công đoạn còn lại như kết nối các đốt hầm, kết nối với 2 bên bờ quận 1 (cầu Khánh Hội), quận 2 (phường Thủ Thiêm). Chất liệu xây dựng các đốt hầm là bê tông cốt thép dày 1,2 m có thêm chất phụ gia chống thấm nước đặc biệt và một số nguyên vật liệu kỹ thuật cao được nhập từ Nhật Bản. P.T.Thanh ghi 

 (Theo Người lao động online)


Tin trước đây:

 

Góc chia sẻ

"Những ngày tháng qua, công việc của tôi thật thú vị và nhiều ý nghĩa. Tôi tự hào được là một hạt cát, góp phần quảng bá công trình đường hầm sông Sài Gòn – một biểu tượng phát triển của thành phố"

(CBVCNV  Trung tâm)

 

Liên hệ

Địa chỉ: Số 02 Đường Mai Chí Thọ, Phường Thủ Thiêm, Q 2, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại
: (+84) 08.3914.3560
Fax: (+84) 08.3914.3561
E-mail: ttqltt.sgtvt@tphcm.gov.vn